CẤY GHÉP RĂNG – IMPLANT

Nguyên nhân mất răng và các lựa chọn phục hồi răng mất (làm răng giả)

Răng có thể bị mất do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Sâu răng
  • Các bệnh vùng quanh răng (cao răng, viêm lợi, viêm quanh răng)
  • Chấn thương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông
  • Thiếu răng bẩm sinh…

Tùy theo các trường hợp cụ thể căn cứ vào các yếu tố như vị trí mất răng, số răng bị mất, tương quan của vùng mất răng với các răng còn lại và tổ chức quanh răng cũng như điều kiện sức khỏe, kinh tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn các phương pháp phục hồi lại răng mất như: làm răng giả tháo lắp, cầu răng, và cấy ghép răng (Implant).

Hàm giả tháo lắp

Cầu răng: là phương pháp thay thế răng mất (không còn chân răng) bằng răng giả có sử dụng chân răng bên cạnh (đôi khi cả chân răng nhân tạo) làm trụ cầu

Implant là gì?

Cấy ghép răng (Implant) là phương pháp đặt một chốt chân răng nhân tạo (làm bằng titanium) vào phần xương ổ răng của răng mất để giữ răng giả ở phía trên.

Implant là phương pháp lý tưởng để phục hồi lại răng mất với nhiều ưu điểm như không phải mài các răng bên cạnh, tính thẩm mỹ cao, chức năng ăn nhai như răng thật, thời gian tồn tại lâu….

Ưu điểm của Implant so với cầu răng và hàm giả tháo lắp

  • Tính thẩm mỹ cao: Implant trông giống hệt răng thật. Do Implant được gắn dính vào xương nên sẽ không xảy ra tình trạng tiêu xương cũng như tụt lợi cổ răng giống như cầu răng và hàm giả tháo lắp. Vì vậy không ai có thể nhận ra bạn đang mang răng giả.
  • Không cần mài các răng bên cạnh: các răng bên cạnh sẽ không bị ảnh hưởng gì khi có sự xuất hiện của Implant, điều này đồng thời có tác động tích cực, lâu dài đến sức khỏe răng miệng của bạn.
  • Vững chắc: bạn không cần phải lo lắng về việc răng giả có thể bị lung lay hay rơi ra khi ăn hoặc nói chuyện. Implant giúp bạn ăn uống dễ dàng với lực nhai như răng thật.
  • Đáng tin cậy: theo nhiều nghiên cứu, xác suất thành công của Implant từ 92 – 98%, cao nhất trong các phương pháp phục hồi răng mất. Tuổi thọ của Implant có thể lên đến hơn 40 năm nếu được chăm sóc cẩn thận.

Những ai có thể làm Implant?

Để đưa ra lời khuyên chính xác cho bệnh nhân lựa chọn Implant bác sĩ cần thăm khám hỏi bệnh tỉ mỉ, cũng như chụp các loại phim cần thiết. Mỗi bệnh nhân sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Nói chung, để có thể tiến hành cấy ghép, bệnh nhân cần đáp ứng được các điều kiện sau: sức khỏe tốt, tình trạng vệ sinh răng miệng tốt, không nghiện thuốc lá, có đủ xương ổ răng, tương quan các răng xung quanh thích hợp.

Quy trình tiến hành cấy ghép Implant

Trước khi tiến hành, nha sĩ sẽ thăm khám cẩn thận trên bệnh nhân để kiểm tra các yếu tố liên quan, chụp các loại phim cần thiết như Panorama, Cone beam CT.

Đầu tiên, bệnh nhân được sát khuẩn, gây tê. Sau đó bác sĩ sẽ đặt một chốt titanium kích cỡ phù hợp với răng tương ứng cũng như khoảng mất răng. Đây là bước quan trọng nhất, quyết định sự thành công của việc cấy ghép Implant.

Tiếp theo, bệnh nhân cần chờ trung bình 6 tháng để chốt titaium được tích hợp vào xương ổ răng. Sau 6 tháng bác sĩ sẽ kiểm tra lại, nếu được sẽ tiến hành lấy dấu và làm răng giả cho bệnh nhân, kết thúc quá trình cấy ghép.

Với những người không đủ xương ổ răng, bác sĩ phải tiến hành ghép xương để đảm bảo chốt titanium được lưu giữ chắc chắn trong xương. Xương để ghép hiện nay chủ yếu lấy từ 2 nguồn: xương tự thân và bột xương nhân tạo.

Chăm sóc răng cấy ghép

Răng được cấy ghép cũng như các răng thật trong miệng cần được chăm sóc đầy đủ bằng các biện pháp thông thường như chải răng hàng ngày, dùng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng, khám răng định kỳ 6 tháng/ lần

Cấy ghép răng có gây đau không

Bệnh nhân được gây tê tốt trong quá trình phẫu thuật cũng như uống thuốc theo hướng dẫn sau đó hầu như không bị đau.

 

Bài này đã được đăng trong Kiến thức nha khoa thường thức và được gắn thẻ , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này