Trám bít hố rãnh

PHƯƠNG PHÁP HIỆN ĐẠI HIỆU QUẢ NHẤT PHÒNG CHỐNG SÂU RĂNG TRẺ EM: TRÁM BÍT HỐ RÃNH – DENTAL SEALANT

Bệnh sâu răng ở trẻ em!

Răng vĩnh viễn ở trẻ em khi mới mọc thường có nhiều hố rãnh, dễ lưu giữ vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn. Nên mặt nhai của răng rất dễ sâu.

Răng hàm nhỏ (răng 4, 5), răng hàm lớn (răng 6, 7) là những răng có nhiều hố rãnh nhất và rất khó làm sạch hoàn toàn với bàn chải và chỉ tơ nha khoa (do những rãnh này có thể có đường kính nhỏ hơn 1 sợi lông bàn chải).

Trám bít hố rãnh (sealant) là gì? Tại sao phải trám bít hố rãnh?

Trám bít hố rãnh là thủ thuật đặt một lớp vật liệu mỏng (composite hoặc GIC) lên mặt nhai của các răng hàm để phòng chống sâu răng. Trám bít hố rãnh đã được chứng minh có hiệu quả rõ rệt trong phòng chống sâu răng qua nhiều nghiên cứu tại Mỹ.

Bề mặt nhai với những hố rãnh rất khó làm sạch, là nơi lưu trú của vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn, dẫn đến hình thành mảng bám răng. Vi khuẩn trong mảng bám sinh ra acid tấn công vào men và hình thành lỗ sâu.

Trám bít hố rãnh tăng cường bảo vệ vùng hố rãnh bằng cách bao phủ một lớp vật liệu mỏng, trơn nhẵn lên vùng đó.

Vì vậy trám bít hố rãnh là phương pháp tiên tiến, hiện đại, phòng ngừa sâu răng có hiệu quả nhất.

Khi nào thì cần trám bít hố rãnh?

Trẻ em thường được trám bít hố rãnh lần đầu tiên với răng hàm lớn thứ nhất (răng 6), khi mặt nhai của răng đã mọc lên trên lợi (trẻ 6 tuổi).

Trừ răng khôn (răng 8), các răng hàm lớn, hàm nhỏ vĩnh viễn của trẻ tiếp tục mọc đến khi trẻ được 12 – 13 tuổi, và mặt nhai của các răng này có thể được trám bít khi chúng mọc lên trên lợi.

Người trưởng thành có cần trám bít hố rãnh không?

Có, đôi khi nha sĩ khuyên nên trám bít hố rãnh với những người trưởng thành có nguy cơ sâu răng cao: những người có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, hố rãnh sâu…

Trám bít hố rãnh được tiến hành như thế nào?

Đầu tiên, nha sĩ sẽ làm sạch răng cần trám bít với bàn chải chuyên dùng và thuốc đánh bóng. Sau khi răng được làm khô, nha sĩ sẽ đặt một dung dịch acid nhẹ lên bề mặt nhai của răng, giúp tăng khả năng gắn của vật liệu trám bít. Bước này được gọi là etching, sau bước này, bề mặt răng sẽ có độ nhám rất nhỏ (chỉ nhìn được trên kính hiển vi).

Bước tiếp theo, nha sĩ rửa sạch và làm khô răng lần nữa. Sau đó, vật liệu trám bít sẽ được đặt lên trên bề mặt răng và được làm cứng. Bước này được gọi là bonding.

Việc làm cứng vật liệu trám bít có thể được tiến hành bằng đèn quang trùng hợp (đèn có ánh sáng xanh) hoặc vật liệu có thể tự cứng (composite tự cứng hoặc GIC).

Cuối cùng, sau khi vật liệu đã cứng, nha sĩ sẽ đánh bóng lớp trám bít và bệnh nhân có thể ăn nhai bình thường.

Miếng trám bít có thể tồn tại bao lâu?

Thông thường miếng trám bít có thể tồn tại nhiều năm. Đôi khi nếu cần thiết, nha sĩ có thể tiến hành làm miếng trám bít mới.

Trám bít hố rãnh có gây đau không?

Không.

Nếu đã trám bít hố rãnh thì có cần dùng các biện pháp phòng chống sâu răng khác không?

Có, trám bít hố rãnh chỉ bảo vệ bề mặt nhai của răng, nơi chúng được đặt lên. Bạn vẫn cần sử dụng các biện pháp phòng chống sâu răng và các bệnh răng miệng khác như: đánh răng bằng kem đánh răng chứa Fluoride, dùng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng, chế độ ăn uống hợp lý, khám răng định kỳ 6 tháng/lần.

Bài này đã được đăng trong Kiến thức nha khoa thường thức và được gắn thẻ , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này